TPHCM - Hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, chính sách,..là những rào cản để ngành logistics tại TP Thủ Đức phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.
Đó là những ý kiến được các nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm doanh nghiệp “Quy hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Thủ Đức” diễn ra ngày 9.6.
Còn nhiều hạn chế
TP Thủ Đức có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển Logistics. Theo định hướng phát triển đến năm 2030, TP Thủ Đức có 4 trung tâm logistics gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung và trung tâm logistics Khu Công Nghệ Cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc phát triển ngành logictics tại TP Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trên địa bàn hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp (DN) kinh doanh ngành nghề dịch vụ vận tải, kho bãi tập trung chủ yếu tại các phường: Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Trường Thọ, Linh Trung, Phú Hữu, Long Bình và phường Phước Long A…
Tuy nhiên, vấn đề kết nối, hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng, tạo nên những điểm nghẽn cản trở việc phát triển của ngành dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.
Cần có quy hoạch rõ ràng để đáp ứng sự phát triển của ngành logistics. Ảnh: Phương Ngân
Ông Đỗ Xuân Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Logistics Tân Cảng cũng cho rằng, hiện vẫn còn nhiều hạn chế gây cản trở sự phát triển của ngành logistics tại TP Thủ Đức như: hạ tầng chưa hoàn thiện, vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính, trong khi đó, hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp.
Các phương thức vận tải khác chưa được phát triển, các dự án đường cao tốc đường vành đai 3, 4 còn đang chậm tiến độ. Chưa có quy hoạch phát triển đa phương thức giữa đường thủy - bộ - đường sắt để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải XNK và góp phần cắt giảm chi phí cho DN.
Quy hoạch các KCN sản xuất còn chồng chéo với khu dân cư gây tình trạng mất an toàn cho người dân; Còn nhiều dự án quy hoạch bất động sản treo thay vì ưu tiên tập trung phát triển hậu cần logistics cảng biển...
Đề xuất quy hoạch phát triển logistics
Theo ông Đỗ Xuân Minh, hiện nay, các hãng tàu có xu hướng tăng cỡ tàu lên 18 – 20 ngàn teus để phát triển dịch vụ vận tải biển trực tiếp đi Mỹ và Châu Âu tại khu vực Cái Mép.
Còn tại cảng Tân Cảng – Cát Lái, theo thống kê số tàu nội Á cập cảng này gần 60% tỉ lệ là các tàu từ 0 – 15 tuổi, trong khi thời gian sử dụng tàu container từ 25 – 30 tuổi.
Chưa kể, tàu đóng mới kích cỡ dưới 3 ngàn teu vẫn tăng trưởng hằng năm. Như vậy, nhu cầu cỡ tàu nội Á vào cảng Tân Cảng – Cát Lái vẫn tiếp tục tăng trưởng trong 10 – 20 năm tới.
Nhiều hãng tàu có xu hướng tăng cỡ tàu để phát triển dịch vụ vận tải biển trực tiếp đi Mỹ và Châu Âu. Ảnh: Phương Ngân.
Để đáp ứng với nhu cầu phát triển, ông Minh cho rằng, cần tăng năng lực đón tàu, phát triển vận tải đa phương thức kết nối cảng; phát triển kết nối đa phương thức: đường thủy, đường bộ, đường sắt; Đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng (nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 2, vành đai 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống)...
Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Cơ khí Tân Thanh cũng đề xuất, cần có làn đường riêng dành cho xe container lưu thông vừa tránh ách tắc vừa đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác.
Đồng thời, ở những trạm thu phí này nên thực hiện thu phí không dừng để rút ngắn thời gian chờ đợi của tài xế. Ngoài ra, nên đặt những trạm cân ở vị trí trạm thu phí đường bộ, để đảm bảo vấn đề phương tiện không chở quá tải, việc này cũng đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các DN logistics.
Còn theo Phó Tổng Giảm đốc Tổng Công ty đường sông miền Nam, TP Thủ Đức cần có thêm khu vực hậu cần của cảng, mở rộng thêm các hệ thống depot, những hệ thống bãi xe…và đặc biệt, phải thay đổi về chính sách để cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.