Phiên giao dịch ngày 7.6 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới có nhiều biến động sau khi Saudi Arabia bất ngờ tăng giá bán dầu sang thị trường châu Á.
Cụ thể, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 118,9 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,36%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent ở mức 119,5 USD/thùng.
Giá dầu thô Brent ở mức 119,5 USD/thùng. Ảnh: IFCMarkets.
Giá dầu thế giới biến động sau khi Saudi Arabia tăng giá bán dầu thô giao tháng 7 sang châu Á thêm 2,1 USD so với giá tháng 6.
Bên cạnh đó, trong ngày 6.6, Citibank và Barclays cũng nâng dự báo giá cho năm 2022 và 2023 do nguồn cung của Nga thắt chặt hơn và sự trở lại của dầu Iran.
Các nhà phân tích của Citi cho biết, dòng chảy dầu được điều chỉnh lại sang châu Á có thể đồng nghĩa với việc sản xuất và xuất khẩu của Nga sẽ không giảm nhiều, dự kiến chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.
Tuần trước, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga. 10% còn lại sẽ tạm thời được miễn lệnh cấm vận để Hungary - quốc gia không giáp biển cùng với Slovakia và Séc tiếp tục tiếp nhận dầu Nga qua đường ống Druzhba cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.
Eni của Italy và Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển một lượng nhỏ dầu của Venezuela sang châu Âu trong tháng tới đề bù cho nguồn dầu thô bị mất từ phía Nga do lệnh cấm nhập khẩu dầu.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 27% dầu từ Nga. Đặc biệt, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai sau Saudi Arabia.